Đang gửi...
  • Tiếng Việt Tiếng Anh

Lượt truy cập hôm nay: 651

Lượt truy cập hôm qua: 2052

Lượt truy cập tháng: 162104

Tổng truy cập: 3352571

  • Tiếng Việt Tiếng Anh

Ảnh hưởng của phân chia gói thầu đến hiệu quả quản lý hợp đồng xây dựng

Trong thực tiễn quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình, hiệu quả của công tác quản lý hợp đồng xây dựng phụ thuộc vào nhiều yếu tố từ khách quan của biến động các yếu tố thị trường xây dựng đến chủ quan của các chủ thể quản lý, trong đó vấn đề phân chia gói thầu xây dựng trong giai đoạn lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu có ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả của quản lý hợp đồng xây dựng nói riêng và quản lý dự án đầu tư xây dựng nói chung cho cả dự án.
1. Tổng quan các quy định về phân chia gói thầu xây dựng
Nghị định số 88/1999/NĐ-CP ngày 01/09/1999 của Chính phủ ban hành Quy chế đấu thầu đã xuất hiện thuật ngữ “Gói thầu” và quy định việc đấu thầu được thực hiện trên cơ sở từng gói thầu. Điều này dẫn đến quy định về phân chia gói thầu trong dự án. Gói thầu được quy định là “toàn bộ dự án hoặc một phần công việc của dự án được phân chia theo tính chất kỹ thuật hoặc trình tự thực hiện dự án, có quy mô hợp lý và bảo đảm tính đồng bộ của dự án”. Gói thầu được thực hiện theo một hoặc nhiều hợp đồng (khi gói thầu được chia thành nhiều phần). Tuy nhiên, những quy định về phân chia gói thầu trong dự án mới chỉ dừng lại ở mức tổng quan, chưa cụ thể chi tiết.

Hoạt động đấu thầu lần đầu tiên được điều chỉnh cụ thể hóa bằng văn bản luật cao nhất là Luật Đấu thầu số 61/2005/QH11. Gói thầu là một phần của dự án, trong một số trường hợp đặc biệt gói thầu là toàn bộ dự án; gói thầu có thể gồm những nội dung mua sắm giống nhau  thuộc nhiều dự án hoặc là khối lượng mua sắm một lần đối với mua sắm thường xuyên. Lần đầu tiên việc phân chia gói thầu được quy định cụ thể trong kế hoạch đấu thầu. Kế hoạch đấu thầu phải lập cho toàn bộ dự án. Trong kế hoạch đấu thầu phải nêu rõ số lượng gói thầu và nội dung của từng gói thầu. Việc phân chia dự án thành các gói thầu phải căn cứ theo tính chất kỹ thuật, trình tự thực hiện, bảo đảm tính đồng bộ của dự án và có quy mô gói thầu hợp lý.

Luật Đấu thầu số 43/2013/QH13 ra đời và được đánh giá là một bước đổi mới mạnh mẽ trong hoạt động đấu thầu. Nguyên tắc phân chia dự án thành các gói thầu đã được quy định tại Điều 33 Luật Đấu thầu số 43/2013/QH13. Tại điểm c khoản 3 Điều 4 của Thông tư số 10/2015/TT-BKHĐT ngày 26/10/2015 của Bộ Kế hoạch và đầu tư quy định chi tiết về kế hoạch lựa chọn nhà thầu quy định phần công việc thuộc kế hoạch lựa chọn nhà thầu phải ghi rõ số lượng gói thầu và nội dung của từng gói thầu và giải trình các nội dung đó. Trong phần này, phải nêu rõ cơ sở của việc chia dự án thành các gói thầu. Nghiêm cấm việc chia dự án thành các gói thầu trái với quy định của Luật Đấu thầu số 43/2013/QH13 nhằm mục đích chỉ định thầu hoặc hạn chế sự tham gia của các nhà thầu. Cũng tại điểm a khoản 3 Điều 6 Thông tư số 10/2015/TT-BKHĐT quy định việc phân chia dự án thành các gói thầu căn cứ theo tính chất kỹ thuật, trình tự thực hiện, tính đồng bộ của dự án và sự hợp lý về quy mô gói thầu.

2. Thực trạng công tác phân chia gói thầu xây dựng thời gian qua
2.1. Các yếu tố ảnh hưởng đến việc phân chia gói thầu xây dựng trong dự án đầu tư xây dựng
Việc phân chia gói thầu xây dựng trong dự án được thực hiện trong giai đoạn lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu, chịu ảnh hưởng của một số yếu tố như sau:
a) Quy định của pháp luật về hoạt động đấu thầu và các văn bản pháp luật điều chỉnh lĩnh vực liên quan
b) Đặc điểm của loại dự án đầu tư xây dựng

Khi phân tách các gói thầu xây dựng cần phải căn cứ trên đặc điểm của dự án đầu tư xây dựng. Mỗi loại hình công trình xây dựng có đặc điểm riêng biệt có yêu cầu để quyết định việc phân tách gói thầu hợp lý.
c) Yêu cầu của dự án
Việc phân chia gói thầu thi công xây dựng chịu ảnh hưởng của yêu cầu tiến độ thực hiện dự án, điều này có thể nhận thấy rõ ở các công trình hạ tầng kỹ thuật và giao thông do quy trình thi công xây dựng giữa các gói thầu xây dựng không phụ thuộc vào nhau, có thể song song thực hiện. Để đẩy nhanh tiến độ, việc phân chia dự án thành các gói thầu với khối lượng thi công hợp lý để các nhà thầu song song thực hiện sau đó khớp nối toàn bộ dự án trong thực tế cũng chứng minh nhiều hiệu quả quản lý. Khi đó, từng nhà thầu có thể huy động được tối đa nguồn lực để thực hiện phần công việc của mình với tiến độ và chất lượng tốt nhất. Thông qua đó góp phần nâng cao hiệu quả quản lý hợp đồng xây dựng.

 d) Yếu tố chủ quan của các chủ thể xây dựng
Đặc điểm của dự án và yếu tố kỹ thuật đóng vai trò quan trọng trong việc ra quyết định phân chia số lượng gói thầu xây dựng. Trong thực tiễn các công trình sử dụng vốn tư nhân thì bài toán hiệu quả quản lý hợp đồng xây dựng đối với việc phân chia hợp lý gói thầu xây dựng dễ dàng được chủ đầu tư tư nhân giải quyết theo phương án tối ưu nhất. Tuy nhiên đối với công trình sử dụng vốn nhà nước, vẫn có tình trạng chia dự án thành nhiều gói thầu nhỏ để chia cho các nhà thầu “ruột” thực hiện. Bài toán chia gói thầu xuất phát từ động cơ nêu trên chắc chắn gây ảnh hưởng đến hiệu quả quản lý dự án đầu tư xây dựng nói chung và quản lý hợp đồng nói riêng. Do vậy, chủ đầu tư và các cơ quan quản lý đóng vai trò quan trọng tại giai đoạn này.
2.2. Thực trạng công tác phân chia gói thầu xây dựng sử dụng vốn nhà nước
Thời gian qua, hệ thống pháp luật về đấu thầu và quản lý hợp đồng trong hoạt động xây dựng từng bước được hoàn thiện. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều tồn tại trong công tác quản lý hợp đồng xây dựng ảnh hưởng đến hiệu quả thực hiện dự án đầu tư xây dựng. Một trong những nguyên nhân là do xuất phát từ công tác phân chia gói thầu xây dựng.
a) Chia tách gói thầu không hợp lý
Việc phân chia dự án thành các gói thầu một cách hợp lý sẽ góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế cho gói thầu, dự án, giảm thời gian, chi phí và nguồn lực cho chủ đầu tư, nhà thầu và cả xã hội. Trong thực tế, việc chia tách gói thầu không hợp lý thường xảy ra ở các dự án đầu tư xây dựng quy mô nhỏ và vừa ở các địa phương. Một số tồn tại chủ yếu như:

Một là, chia nhỏ gói thầu theo kiểu “chia phần”, mỗi nhà thầu “quen biết” trúng một phần. Trường hợp này xảy ra rõ nét ở công trình đường giao thông, hạ tầng kỹ thuật theo tuyến.

Hai là, chia gói thầu lớn thành các gói thầu dưới 5 tỷ đồng để hướng đến các nhà thầu nhỏ, thường là các nhà thầu địa phương đã có mối quan hệ, không phải cạnh tranh với các nhà thầu lớn. Thực trạng này xuất phát từ quy định tại khoản 3 Điều 6 Nghị định số 63/2014/NĐ-CP quy định đối với gói thầu xây lắp có giá gói thầu không quá 5 tỷ đồng chỉ cho phép nhà thầu là doanh nghiệp cấp nhỏ và siêu nhỏ theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp tham gia đấu thầu. Đây là chính sách ưu đãi cho doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ của nhà nước để tạo động lực phát triển cho loại hình doanh nghiệp phổ biến chiếm số lượng lớn trong nền kinh tế. Tuy nhiên, trường hợp này cũng hay được các chủ đầu tư vận dụng để tạo ra việc phân chia gói thầu với quy mô không hợp lý.

Ba là, chia nhỏ 1 gói thầu thuộc hạn mức phải đấu thầu rộng rãi thành các gói thầu nhỏ thuộc hạn mức được chỉ định thầu để tiến hành chỉ định thầu, giảm cạnh tranh trong đấu thầu. Theo quy định đây là hành vi bị cấm trong đấu thầu. Theo quy định tại Điều 54 Nghị định số 63/2014/NĐ-CP của Chính phủ thì “Gói thầu có giá trị trong hạn mức được áp dụng chỉ định thầu theo quy định tại điểm e Khoản 1 Điều 22 của Luật Đấu thầu không quá 500 triệu đồng đối với gói thầu cung cấp dịch vụ tư vấn, dịch vụ phi tư vấn, dịch vụ công; không quá 01 tỷ đồng đối với gói thầu mua sắm hàng hóa, xây lắp, hỗn hợp, mua thuốc, vật tư y tế, sản phẩm công”. Như vậy, với gói thầu thi công xây dựng có giá gói thầu trên 01 tỷ thì phải tổ chức đấu thầu mà không được sử dụng hình thức chỉ định thầu.

Theo thống kê của Báo Đấu thầu có khá nhiều trường hợp chia nhỏ gói thầu chưa hợp lý thời gian qua. Dự án Xây dựng mới các TBA quận Nam Từ Liêm giai đoạn 1 (năm 2016) chia nhỏ 03 gói thầu có nội dung tương tự như nhau về kỹ thuật để thực hiện chỉ định thầu. Gói thầu hoàn trả hè đường công trình xây dựng mới các TBA khu vực Mễ Trì, Phú Đô, Xuân Phương có giá gói thầu là hơn 633,8 (triệu đồng); Gói thầu hoàn trả hè đường công trình xây dựng mới các TBA khu vực Đại Mỗ, Mỹ Đình có giá gói thầu là 528,1 (triệu đồng); …

b) Tính kết nối trong công tác phân chia gói thầu
Một trong những nguyên tắc cơ bản của việc phân chia gói thầu xây dựng trong dự án xuất phát từ tính chất kỹ thuật, trình tự thực hiện. Ở một số dự án sử dụng vốn nhà nước thời gian vừa qua, tiến độ công trình bị chậm trễ do việc phân chia gói thầu mà chưa tính toán hợp lý đến tính kết nối giữa các gói thầu. Đối với những công trình xây dựng mang tính phổ biến như nhà cao tầng  (chung cư, văn phòng làm việc, trung tâm thương mại…) thì có thể dễ dàng nhận thấy quá trình thi công xây dựng được chia thành 04 giai đoạn rõ rệt gồm: phần móng ngầm, phân thân thô, phần hoàn thiện và phần hệ thống kỹ thuật công trình (M&E). Có thể có nhiều phương án chia gói thầu cho loại dự án này từ phân chia thành 01 gói thầu tổng thầu thi công xây dựng hoặc thành 02 gói thầu (phần xây dựng và phần ME hoặc chia thành 04 gói thầu cho 04 giai đoạn khác nhau). Theo đó, hiệu quả quản lý hợp đồng cho từng phương án phân chia mang lại có sự khác nhau. Trường hợp dự án phân chia 01 gói thầu nếu lựa chọn được nhà thầu tổng thầu có năng lực, thông thường mang lại hiệu quả cao hơn về tiến độ do tổng thầu hoàn toàn chủ động về các nguồn lực phục vụ thi công các giai đoạn để có kế hoạch phân bổ, điều tiết hợp lý. Về chất lượng cũng sẽ có được sự đồng bộ trong hệ thống quản lý chất lượng đối với công trình, tránh tối đa việc ngừng công nghệ để chuyển giao cho các nhà thầu ở bước sau trong trường hợp chia nhiều gói thầu. Về chi phí cũng đạt hiệu quả bởi tiết kiệm được các phần chi phí quản lý chung cho toàn bộ công trình.

Một số trường hợp chủ đầu tư cố ý chia nhỏ gói thầu để nhà thầu ruột không đáp ứng yêu cầu năng lực dẫn đến việc khi thi công đồng loạt các gói thầu nhỏ, nhà thầu sẽ không đảm bảo tiến độ, chất lượng. Trong một số trường hợp phân chia nhiều gói thầu trong cùng dự án dẫn đến trường hợp nhà thầu thi công xây dựng ở giai đoạn sau phải chờ nhà thầu thi công giai đoạn trước, hoặc biện pháp thi công và chất lượng thi công của nhà thầu giai đoạn trước gây ảnh hưởng đến giai đoạn sau như: các vị trí chờ kỹ thuật không hợp lý, thiết bị nâng hạ (cần trục tháp, vận thăng…) đã được lắp đặt của nhà thầu ở giai đoạn thi công trước phải tháo rỡ để lắp đặt thiết bị thi công của nhà thầu giai đoạn sau. Đặc biệt, đối với công trình có thiết kế hệ thống kỹ thuật công trình hiện đại như những tòa nhà thông minh với hệ thống điều khiển tự động thì rất cần thiết có sự đồng bộ trong các giai đoạn thi công để đảm bảo hiệu quả vận hành của dự án.

3. Ảnh hưởng của việc phân chia gói thầu đến hiệu quả quản lý hợp đồng xây dựng
Công tác quản lý hợp đồng xây dựng đóng vai trò quan trọng đối với việc đảm bảo hiệu quả đầu tư của các dự án đầu tư xây dựng công trình bởi nó có ảnh hưởng và tác động trực tiếp đến tiến độ, chất lượng, an toàn và chi phí của các gói thầu thuộc dự án. Có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến hiệu quả quản lý hợp đồng xây dựng, nhưng những ảnh hưởng từ việc việc phân chia gói thầu xây dựng được đánh giá là một trong những yếu tố ảnh hưởng có tính quan trọng.
Trong công tác quản lý dự án tại nước ta, chuỗi liên kết giữa công tác phân chia gói thầu trong quá trình tổ chức lựa chọn nhà thầu với quá trình hoàn thiện, ký kết, quản lý thực hiện hợp đồng hiện nay chưa được các chủ thể xây dựng đánh giá đúng tầm quan trọng.
    Việc phân chia dự án thành các gói thầu một cách hợp lý sẽ góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế cho gói thầu, dự án, giảm thời gian, chi phí và nguồn lực cho chủ đầu tư, nhà thầu và cả xã hội. Để bảo đảm tính hợp lý này, yêu cầu chủ đầu tư và cấp có thẩm quyền phải có năng lực, trình độ và kinh nghiệm quản lý dự án mà bên cạnh đó là cần sự “công tâm” khách quan không bị ràng buộc bởi yếu tố ngoài chuyên môn. Thực trạng công tác phân chia gói thầu xây dựng sử dụng vốn nhà nước thời gian qua chỉ ra tồn tại trong việc việc phân chia dự án thành các gói thầu nếu không hợp lý được nhắc đến là chia dự án thành nhiều gói thầu nhỏ. Ở góc độ quản lý dự án nói chung và quản lý hợp đồng xây dựng nói riêng đều có thể dẫn đến những lãng phí và hiệu quả thấp.
Ảnh hưởng trước tiên của việc phân chia gói thầu không hợp lý là lãng phí trong khâu tổ chức đấu thầu. Hiện nay, quy trình tổ chức lựa chọn nhà thầu đã từng bước được hoàn thiện trong hệ thống pháp luật. Theo đó, các trình tự thủ tục được các chuyên gia đánh giá là tương đối đầy đủ và chặt chẽ. Trường hợp có quá nhiều gói thầu trong một dự án buộc phải tổ chức công tác lựa chọn nhà thầu tương ứng với số gói thầu theo kế hoạch đấu thầu, lãng phí về thời gian cho công tác đăng thông tin, chi phí cho tổ chuyên gia đấu thầu… kéo dài thời gian thực hiện dự án.
       Việc phân chia nhiều gói thầu xây dựng thì sẽ phải thực hiện công tác thương thảo, ký kết và quản lý hợp đồng cho từng gói thầu tương ứng. Về nguyên tắc, công tác quản lý hợp đồng được thực hiện cho từng hợp đồng theo từng gói thầu cụ thể. Mỗi nhà thầu sẽ là một chủ thể hợp đồng khác nhau trong quan hệ hợp đồng với chủ đầu tư. Chủ thể hợp đồng thay vì chỉ thực hiện quản lý với số lượng hợp lý hợp đồng xây dựng thuộc dự án sẽ phải thực hiện quản lý hệ thống các hợp đồng được xác định trên cơ sở phân chia các gói thầu không hợp lý. Khi đó, sự kết nối giữa các gói thầu là yêu cầu quản lý được đặt ra. Theo đó, nhà quản lý sẽ cần quan tâm đến sự kết nối về công nghệ để đảm bảo chất lượng công trình, về tiến độ thi công để đảm bảo quá trình thực hiện thi công xây dựng không bị gián đoạn vì bất kỳ lý do chủ quan nào để tuân thủ theo đúng kế hoạch tiến độ tổng thể được người có thẩm quyền phê duyệt.

4. Giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý hợp đồng xây dựng thông qua công tác phân chia gói thầu xây dựng
Để công tác quản lý hợp đồng xây dựng đạt được hiệu quả thì cần nhiều giải pháp mang tính tổng thể xuyên suốt quá trình thực hiện dự án đầu tư xây dựng công trình. Tuy nhiên, trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật của nước ta cũng như thực tiễn quản lý vẫn chưa có sự liên kết trong các quy định giữa công tác phân chia gói thầu xây dựng với công tác quản lý hợp đồng xây dựng. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến công tác quản lý hợp đồng xây dựng chưa đạt hiệu quả cao trong thời gian qua. Theo đó, để nâng cao hiệu quả quản lý hợp đồng xây dựng thông qua công tác phân chia gói thầu xây dựng cần thực hiện một số nội dung như sau:

a) Kiểm soát chặt chẽ công tác lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu đối với dự án sử dụng vốn nhà nước

Một trong những nội dung quan trọng của công tác lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu là phân chia gói thầu thuộc dự án. Trong kế hoạch lựa chọn nhà thầu phải ghi rõ số lượng gói thầu và nội dung của từng gói thầu. Theo quy định tại khoản 1 Điều 36 Luật Đấu thầu số 43/2013/QH13 thì chủ đầu tư có trách nhiệm trình duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu lên người có thẩm quyền xem xét, phê duyệt. Như vậy, ý tưởng ban đầu hình thành số lượng gói thầu thuộc dự án hoàn toàn thuộc quyền của chủ đầu tư. Những tồn tại trong công tác phân chia gói thầu xây dựng trong dự án sử dụng vốn nhà nước thời gian qua có nguyên nhân xuất phát từ giai đoạn này.

Nguyên tắc phân chia dự án thành các gói thầu đã được quy định khá rõ trong Luật Đấu thầu số 43/2013/QH13 và trong các văn bản quy phạm pháp luật như Nghị định số 63/2014/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà thầu, Thông tư số 10/2015/TT-BKHĐT quy định chi tiết về kế hoạch lựa chọn nhà thầu… Hệ thống pháp luật điều tiết nội dung này đã khá chi tiết nhưng việc thực hiện lại phụ thuộc yếu tố con người, ở đây là vai trò chủ đầu tư. Nó yêu cầu cả trình độ và cái “tâm” của người thực hiện. Người thực hiện cần đủ “tâm” để không tư lợi, để khách quan khi phân chia gói thầu trong dự án hướng đến mục đích chung là đem lại hiệu quả cao nhất cho công tác lựa chọn nhà thầu ở giai đoạn trước tiên, công tác quản lý hợp đồng trong giai đoạn kế tiếp và lớn hơn cả là hiệu quả tổng thể của dự án đầu tư xây dựng. Bên cạnh đó, cần cả trình độ và kinh nghiệm để phân chia sao cho hợp lý nhất, để quy mô và cơ cầu gói thầu không quá lớn cũng không quá nhỏ, đảm bảo tính đồng bộ trong thực hiện dự án, tăng cường tính cạnh tranh trong đấu thầu và thuận tiện cho công tác quản lý hợp đồng sau này.


Các khâu tiền kiểm về lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu cần được thực hiện chặt chẽ, đánh giá đầy đủ các yếu tố, căn cứ để phân chia gói thầu xây dựng. Tổ chức được giao thẩm định kế hoạch lựa chọn nhà thầu có trách nhiệm lập báo cáo thẩm định để trình người có thẩm quyền với trách nhiệm phản biện đầy đủ, tránh hình thức và thủ tục. Đặc biệt là người có thẩm quyền phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu rất cần đủ tầm và trách nhiện khi phê duyệt đúng, kiểm soát những nội dung bất hợp lý ngay trong giai đoạn tiền kiểm này.

b) Hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật đối với công tác lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu

Các giải pháp tăng cường đào tạo năng lực, tuyên truyền, răn đe nhằm nâng cao nhận thức của các chủ thể có liên quan trực tiếp đến công tác phân chia gói thầu, kiểm soát thẩm định và phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu là cần thiết. Tuy nhiên, nó chỉ mang ý nghĩa chung để giúp người thực hiện tự giác chấp hành pháp luật, hình thành thói quen, phong cách thượng tôn pháp luật. Hiện nay, hệ thống văn bản pháp luật chưa quy định những chế tài cụ thể làm công cụ kiểm soát việc phân chia gói thầu trong dự án ngay trong bước lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu. Khi hiệu quả quản lý hợp đồng xây dựng của dự án không đạt được, dẫn đến tiến độ và chất lượng công trình không đảm bảo, chi phí đầu tư xây dựng vượt ngoài kiểm soát thì vẫn tồn tại một khoảng trống quy định trách nhiệm của chủ đầu tư khi phân chia gói thầu không hợp lý, trách nhiệm của cơ quan thẩm định kế hoạch lựa chọn nhà thầu khi chưa làm tròn trách nhiệm phản biện và trách nhiệm của người có thẩm quyền phê duyệt khi chưa nghiên cứu, xem xét kỹ lưỡng trước khi phê duyệt. Vì vậy, trong thời gian tới cần tiếp tục hoàn thiện các chế tài kiểm soát cụ thể hơn trong hệ thống văn bản pháp luật hiện hành để việc quy trách nhiệm được rõ ràng, chi tiết góp phần nâng cao trách nhiệm của những chủ thể có liên quan.

Kế hoạch lựa chọn nhà thầu là một trong những nội dung mà chủ đầu tư phải đăng tải trên hệ thống mạng đấu thầu quốc gia, Báo Đấu thầu như quy định tại Điều 8 Luật Đấu thầu số 43/2013/QH132013. Với việc yêu cầu người có thẩm quyền, chủ đầu tư, bên mời thầu, đơn vị quản lý về đấu thầu phải cung cấp loại thông tin nêu trên, đây là một bước tiến vượt bậc trong việc thúc đẩy công khai, minh bạch và tăng cường sự giám sát của các bên liên quan cũng như của xã hội đối với hoạt động đấu thầu nói chung và công tác lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu nói riêng. Tuy nhiên, công tác phản biện xã hội với loại thông tin này chưa được quy định trong hệ thống văn bản pháp luật có liên quan. Khi thông tin về kế hoạch đấu thầu của dự án được công bố trên mạng đấu thầu quốc gia hoặc Báo Đấu thầu, cần thiết quy định những cơ chế tiếp thu ý kiến phản biện xã hội để có thêm thông tin, tránh những tiêu cực từ việc cố tình phân chia gói thầu không hợp lý. Đề xuất cơ quan tiếp nhận thông tin phản biện là Cục Quản lý đấu thầu - Bộ Kế hoạch và Đầu tư thông qua Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia. Trong một khoảng thời gian quy định, trường hợp có nhiều ý kiến phản biện, hoặc phát hiện bất hợp lý trong công tác lập kế hoạch đấu thầu của dự án thì đơn vị này có trách nhiệm kiểm tra, thông tin lại với chủ đầu tư và cơ quan có thẩm quyền để nghiên cứu xử lý. Trường hợp cần thiết có thể yêu cầu thực hiện lại công tác lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu.

c) Vai trò của kỹ sư quản lý hợp đồng trong giai đoạn phân chia gói thầu xây dựng

Hiện tại có 02 phương thức quản lý hợp đồng thi công xây dựng, quản lý theo các quy định về quản lý hợp đồng xây dựng ở Việt Nam cho các công trình sử dụng vốn nhà nước và quản lý theo Điều kiện hợp đồng của FIDIC và quy định của Việt Nam cho công trình sử dụng nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA). Theo đó dẫn đến sự khác nhau trong trách nhiệm việc quản lý hợp đồng. Nếu theo quản lý hợp đồng xây dựng ở Việt Nam thì chủ đầu tư hoặc ban quản lý dự án chịu trách nhiệm. Nếu theo Điều kiện hợp đồng của FIDIC và quy định của Việt Nam thì chịu trách nhiệm là kỹ sư tư vấn.

Cùng với xu hướng hội nhập của nền kinh tế nói chung, xu hướng hội nhập trong quản lý xây dựng sẽ là tất yếu. Ở những nước phát triển, khi trình độ của các kỹ sư tư vấn tương đối cao, đạo đức nghề nghiệp và khả năng làm việc độc lập được coi trọng, vị trí kỹ sư quản lý hợp đồng chính là người của chủ đầu tư, là người thực hiện tư vấn giám sát cho toàn bộ quá trình thực hiện dự án và tham gia ngay từ bước chuẩn bị dự án, đương nhiên bằng chuyên môn và kinh nghiệm, họ sẽ có vai trò và tiếng nói quan trọng trong công tác phân chia hợp lý các gói thầu dựa trên đặc điểm của dự án mà không chịu sự tác động từ một đối tượng khác. Trong khi đó, ở nước ta vẫn có sự chồng lấn giữa vai trò và trách nhiệm của tư vấn giám sát, tư vấn quản lý dự án với  kỹ sư quản lý hợp đồng.

Vai trò của kỹ sư quản lý hợp đồng ở nước ta còn chưa được coi trọng đúng mức. Trong hệ thống văn bản pháp luật liên quan chưa có quy định cụ thể về quyền và trách nhiệm đối với kỹ sư quản lý hợp đồng. Đây là một trong những nguyên nhân khiến cho kỹ sư quản lý hợp đồng chưa được coi là nghề có tính chất độc lập. Kỹ sư quản lý hợp đồng chỉ được tham gia vào dự án khi hợp đồng xây dựng đã được ký kết, phần lớn nằm ẩn trong vai trò quản lý dự án tại bước thực hiện. Họ không có vai trò trong giai đoạn xây dựng dự thảo hợp đồng khi lập hồ sơ mời thầu, thương thảo hợp đồng trong giai đoạn đàm phán, ký kết hợp đồng và xa hơn tại giai đoạn đầu tiên là phân chia gói thầu trong lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu. Việc đặt vai trò của kỹ sư quản lý hợp đồng sau khi công tác phân chia gói thầu, thương thảo, ký kết hợp đồng đã định hình làm giảm hiệu quả công tác quản lý hợp đồng xây dựng.

Theo kinh nghiệm của các nước phát triển và phù hợp với thông lệ quốc tế, vị trí kỹ sư quản lý hợp đồng nên hành xử độc lập với bên giao thầu và bên mời thầu, có nghĩa là họ phải đứng tại vị trí công bằng và trung gian giữa hai đối tượng này theo đúng đạo đức nghề nghiệp và chuyên môn. Thời gian qua, cùng với sự phát triển của ngành xây dựng, sự lớn mạnh của đội ngũ kỹ sư tư vấn xây dựng nói chung và tư vấn hợp đồng xây dựng nói riêng ở nước ta đã từng bước được khẳng định. Việc hội nhập quốc tế của ngành xây dựng cũng là điều kiện để nhiều tổ chức tư vấn có kinh nghiệm và uy tín nước ngoài được hành nghề tại Việt Nam, đây vừa là động lực cũng là thách thức để đội ngũ kỹ sư tư vấn xây dựng có điều kiện học hỏi nâng cao trình độ. Tư vấn quản lý hợp đồng được yêu cầu chuyên môn hóa, có đủ năng lực giúp chủ đầu tư thực hiện quản lý hợp đồng xây dựng.
 Nếu như theo quy định hiện tại, quyết định phân chia gói thầu trong dự án có thể do ý định chủ quan của ban quản lý dự án hoặc chủ đầu tư thì nếu như có sự tham gia của kỹ sư quản lý hợp đồng ở giai đoạn này với vai trò độc lập, khách quan thì xuất phát từ đặc điểm của dự án, tính chất kỹ thuật, trình tự thực hiện thì sẽ làm tốt hơn việc phân chia gói thầu với quy mô hợp lý đảm bảo tính đồng bộ và hiệu quả chung của dự án.

Nguồn: Viện Kinh tế xây dựng - Bộ Xây dựng.

Dự án

Tin tức khác