Góc chuyên môn
- Trang chủ
- Tin tức sự kiện
- Góc chuyên môn
Ngày 20/9/2019, tại Trụ sở cơ quan Bộ Xây dựng, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà chủ trì cuộc họp cho ý kiến về dự thảo Quy chuẩn Kỹ thuật quốc gia QCVN 06:2019/BXD về An toàn cháy cho nhà và công trình do Viện KHCN Xây dựng chủ trì biên soạn. Tham dự cuộc họp có lãnh đạo các Cục, Vụ, Viện thuộc Bộ Xây dựng, Cục Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu hộ cứu nạn Bộ Công an.
Toàn cảnh cuộc họp
Theo báo cáo của đơn vị soạn thảo, dự thảo QCVN 06:2019/BXD được xây dựng trên cơ sở soát xét, chỉnh sửa, bổ sung QCVN 06:2010/BXD năm 2010 của Bộ Xây dựng, nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn về đảm bảo an toàn cháy cho nhà và công trình. Trong quá trình soạn thảo, đơn vị soạn thảo đã tiếp thu hơn 300 ý kiến đóng góp của các Bộ ngành Trung ương, các địa phương, tổ chức, doanh nghiệp, các chuyên gia, nhà khoa học, đồng thời tham khảo kinh nghiệm từ các quốc gia Mỹ, Nhật Bản, Singapore; Trung Quốc.
Cấu trúc của QCVN 06:2019/BXD gồm 7 phần: Quy định chung; Phân loại kỹ thuật về cháy; bảo đảm an toàn cho người; ngăn chặn cháy lan; cấp nước chữa cháy; chữa cháy và cứu nạn; tổ chức thực hiện. Ngoài ra, Quy chuẩn có 9 phụ lục kèm theo. Dự thảo Quy chuẩn được cập nhật, bổ sung nhiều nội dung mới, như: Thang thoát nạn; thang máy chữa cháy nhà cao tầng; cấp nước chữa cháy; gara ô tô, xe máy; tầng lánh nạn, gian lánh nạn; cấp nước chữa cháy; nhà công nghiệp; nhà chung cư cao từ 75m - 150m; công trình có 2-3 tầng hầm.
Nhằm hoàn thiện Dự thảo QCVN 06:2019/BXD, đại diện Cục Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu hộ cứu nạn Bộ Công an và các đại biểu tham dự cuộc họp đã đóng góp nhiều ý kiến cho dự thảo, đồng thời thảo luận để đi đến thống nhất về nội dung dự thảo Quy chuẩn.
Nhấn mạnh tầm quan trọng đặc biệt của việc đảm bảo an toàn cháy cho nhà và công trình, Bộ trưởng Phạm Hồng Hà yêu cầu xây dựng Quy chuẩn QCVN 06:2019/BXD về phải đáp ứng tốt nhất thực tiễn phát triển hiện nay, đảm bảo an toàn cháy ở mức tối đa cho nhà, công trình; cập nhật các tiến bộ KHCN về xây dựng; kết hợp chặt chẽ giữa phòng cháy và chống cháy, trong đó trọng tâm là phòng cháy, trường hợp khi có hỏa hoạn xảy ra phải đảm bảo xử lý, chữa cháy một cách nhanh chóng, hiệu quả nhất. Bên cạnh đó, việc xây dựng Quy chuẩn về An toàn cháy cho nhà và công trình cần có sự thống nhất và liên thông với các QCVN khác có liên quan, đồng thời cần học tập, tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm quốc tế.
Theo Cổng thông tin điện tử Bộ Xây dựng
Dự án
Tin tức khác